Đánh giá hiệu quả kinh doanh là một trong những cách giúp chủ doanh nghiệp, nhà quản lý nắm được tình hình phát triển chung của doanh nghiệp mình như thế nào. Yếu tố nào đang được triển khai đúng hướng, đạt hiệu quả và yếu tố nào thực hiện còn yếu kém, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Công việc này nên được tiến hành một cách thường xuyên. Vậy để đánh giá hiệu quả kinh doanh, chủ doanh nghiệp/nhà quản lý cần dựa vào những chỉ tiêu nào? Hãy cùng dantaichinh.com đi tìm hiểu nhé!
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là gì?
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là chỉ tiêu kinh tế được tổng hợp lại, dùng để phản ánh việc doanh nghiệp sử dụng các yếu tố phục vụ quá trình sản xuất/kinh doanh có đạt hiệu quả không và nếu đạt hiệu quả thì hiệu quả ở mức nào. Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh cũng được xem là yếu tố thể hiện năng lực quản trị của nhà quản trị như thế nào, có thể vận dụng các yếu tố liên quan đến quá trình sản xuất/kinh doanh của doanh nghiệp như: máy móc, nguồn nhân sự…để làm gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp hay không.
Nói dễ hiểu hơn, hiệu quả kinh doanh chính là chỉ tiêu để phản ánh việc sử dụng nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị sản xuất…để đạt được kết quả kinh doanh cao nhất.
Thông qua việc đánh giá hiệu quả kinh doanh, nhà quản trị doanh nghiệp sẽ biết được yếu tố nào đang được triển khai đúng hướng, mang lại hiệu quả cao sẽ cố gắng phát huy hơn nữa cho những năm tài chính tiếp theo. Và yếu tố nào còn trì trệ chưa thực sự hiệu quả, sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ đó và có hướng khắc phục kịp thời.
Hiệu quả này thông thường sẽ được khái quát bằng công thức như sau:
– Hiệu quả kinh doanh = Kết quả đầu ra / Yếu tố đầu vào
Hoặc
– Hiệu quả kinh doanh = Yếu tố đầu vào / Kết quả đầu ra
Trong đó yếu tố đầu vào và đầu ra có thể được tính bằng thước đo giá trị hoặc thước đo hiện vật. Sử dụng loại thước đo nào còn tùy thuộc vào mục đích phân tích của doanh nghiệp.
Các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả kinh doanh
Thông thường, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thường được đánh giá dựa vào những tiêu chí cụ thể sau:
Báo cáo tài chính (BCTC)
Theo các chuyên gia về tài chính muốn biết được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hay không, hãy phân tích báo cáo tài chính. Bởi bản BCTC sẽ thể hiện được đầy đủ và chi tiết nhất số tiền mà doanh nghiệp tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định, cũng như thể hiện dòng tiền của doanh nghiệp có được sử dụng đúng cách hay không, có lãng phí hay không.
Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy chú ý phân tích kỹ báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Những báo cáo này sẽ đo lường được khả năng sinh lời và lượng tiền mặt thanh khoản tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả kinh doanh một cách chi tiết nhất.
Thông thường BCTC sẽ được thực hiện vào cuối năm tài chính, do đó việc luân chuyển dòng tiền hay lời lãi phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp đều được thể hiện rõ trong bản BCTC này.
Kiểm tra sự hài lòng của khách hàng
Đây cũng là một trong những chỉ tiêu dùng để đánh giá hiệu quả kinh doanh mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên chú trọng. Bởi sản phẩm/dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng có thể đáp ứng đúng, đủ với nhu cầu của khách hàng và khiến họ hài lòng, thì những sản phẩm/dịch vụ đó mới có cơ hội lớn tiếp tục được cung ứng trong những năm tiếp theo. Hơn nữa, nếu chú tâm vào sự hài lòng của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn khách hàng ruột, từ đó gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mà không cần thiết phải đau đầu để tìm kiếm khách hàng mới.
Chính vì vậy trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp hãy lắng nghe phản hồi của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của mình. Từ đó có thể đưa ra hướng điều chỉnh phù hợp.
Sự gia tăng số lượng khách hàng mới
Duy trì lượng khách hàng cũ để đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp không bị giảm sút, tuy nhiên nếu muốn gia tăng lợi nhuận cần phải có chiến lược Marketing để thu hút lượng khách hàng mới. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể biết được trung bình tuần/tháng/năm…doanh nghiệp của mình có bao nhiêu khách hàng mới, bằng cách kiểm soát danh sách khách hàng cũ. Số lượng khách hàng không nằm trong danh sách khách hàng cũ, chính là lượng khách hàng mới mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, nhân viên là một bộ phận không thể tách rời của doanh nghiệp và đóng góp một phần công sức không hề nhỏ cho doanh thu của doanh nghiệp. Chính vì vậy nhà quản trị doanh nghiệp muốn đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không thể bỏ qua việc đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên. Từ yếu tố này, nhà quản trị có thể biết được khối lượng công việc mà nhân viên đang phải xử lý và việc xử lý đó có đạt được hiệu quả hay không.
Trên đây là các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả kinh doanh mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều đang áp dụng. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết có thể giúp quá trình đánh giá của nhà quản trị doanh nghiệp diễn ra thuận tiện hơn, chính xác hơn. Nếu có vấn đề liên quan đến cách đánh giá hiệu quả kinh doanh cần giải đáp thêm, hoặc nếu có nhu cầu được tư vấn kỹ hơn về vấn đề này, các bạn đừng quên liên hệ đến dantaichinh.com nhé.
Để lại một bình luận